Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Semicon


  • ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN ĐỂ TRUY CẬP NHIỀU TÀI LIỆU HƠN!
  • Đăng ký
    *
    *
    *
    *
    *
    Fields marked with an asterisk (*) are required.
semicon_lab.jpg

Bí kíp cho nhà lãnh đạo trẻ

 

     Bạn vừa được lên chức trưởng, phó phòng, giám đốc… nhưng bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý. Vậy thì bây giờ là lúc bạn nên dành thời gian tham khảo những bí kíp cần thiết để thành công trong sự nghiệp.

Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, không sao cả, vì đây là một công việc không hề đơn giản chút nào. Hãy nỗ lực ngay từ bây giờ, và thành công sẽ đến với bạn trong một vài tháng, thậm chí là trong một vài năm nữa. Làm lãnh đạo cũng đồng nghĩa với việc biết lắng nghe và chờ đợi.

 

Trước tiên bạn hãy nghĩ đến mục tiêu của mình: Bạn muốn trở thành nhà lãnh đạo như thế nào trong tương lai? Các thành viên trong nhóm làm việc, trong phòng, ban, công ty của bạn cần phải học hỏi thêm điều gì để làm việc tốt hơn. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, vào khả năng điều chỉnh nhân viên của bạn.

Bạn nên nỗ lực tập trung vào việc khẳng định tầm ảnh hưởng của mình với mọi người trong nhóm, cho họ thấy tài lãnh đạo của bạn chứ không đơn thuần là hoà nhập và bắt nhịp với tốc độ làm việc của mọi người trong nhóm, trong phòng ban… như khi bạn còn là nhân viên. Bạn có những nhân viên thông minh hơn bạn, hiểu công việc hơn bạn? Điều đó không sao cả, bạn là lãnh đạo, vậy thì nhiệm vụ chính của bạn là làm sao để nhân viên phát huy hết năng lực của họ. Mọi thành công của bạn tuỳ thuộc vào chất lượng công việc của phòng, ban, công ty mà bạn đang phụ trách.

Nhiều người không nhận biết được tầm quan trọng của việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân viên, vì vậy họ đã không thực sự thành công trong cương vị lãnh đạo. Khi bạn biết lắng nghe, biết chia sẻ, thậm chí là học hỏi kinh nghiệm từ chính nhân viên của mình thì bạn đã tạo dựng mối quan hệ thân thiết và bền vững với nhân viên. Đồng thời nhân viên sẽ có thêm động lực hoàn thành công việc khi họ biết rằng: Sếp cũng đang rất đề cao mình.

Mỗi người sẽ có những chiến lược lãnh đạo khác nhau tuỳ thuộc vào khả năng của họ và đặc thù phòng, ban…. Sau đây là những gợi ý cơ bản sẽ giúp bạn phần nào trong quá trình trở thành một lãnh đạo thành công.

1. Truyền đạt thông tin hiệu quả: Khả năng giao tiếp hiệu quả chính là thước đo cho năng lực lãnh đạo của bạn. Điều đó nghe có vẻ dễ làm, nhưng sự thực không đơn giản như vậy. Giao tiếp không đơn giản chỉ là lời nói, nó bao hàm rộng hơn thế. Giao tiếp còn là khả năng vận dụng, truyền tải thông tin bằng ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu và khả năng thẩm thấu vào người nghe. Người nghe phải thực sự hiểu những thông điệp bạn đang truyền đi và họ thực hiện đúng điều bạn muốn. Bạn còn phải biết lắng nghe và thấu hiểu nhân viên của mình. Bạn nên dành thời gian rèn luyện khả năng giao tiếp, khi mọi người hiểu bạn và làm đúng ý của bạn thì hiệu quả công việc sẽ tăng lên thật nhanh chóng.

2. Kết hợp chiến lược chung của công ty và chiến lược riêng của bạn: Để thành công tốt hơn trong cương vị lãnh đạo, bạn còn phải biết kết hợp chiến lược chung của công ty và chiến lược riêng mà bạn đã vạch ra cho phòng ban bạn thực hiện. Bạn phải đảm bảo rằng mình có một chiến lược công việc hoàn hảo, không đi ngược lại chiến lược chung của công ty và phát huy tối đa năng lực của nhân viên. Bạn nên cho các nhân viên nắm được chiến lược chung và riêng để họ có tầm nhìn chính xác hơn, bao quát hơn và họ sẽ biết cách nỗ lực hơn nữa để hoàn thành công việc được giao.

3. Công khai những thành tích đã đạt được: Bạn nên công bố công khai thành tích đã đạt được của các cá nhân trong nhóm, trong phòng ban của bạn. Đừng lo ngại rằng điều đó có thể làm tổn thương những người chưa đạt được thành tích cao. Tôi tin là hành động này của bạn sẽ có tác dụng kép: Đem đến niềm vui và sự phấn khích cho những người đã đạt thành tích cao, đem đến động lực mới cho những người chưa đạt thành tích tốt khiến họ làm việc hăng say hơn, nỗ lực hơn. Như vậy, bạn đã khéo léo động viên mọi thành viên trong phòng, ban, nhóm làm việc của mình rồi.

4. Thể hiện rõ phong cách: Nhân viên của bạn cần được biết bạn là tuýp người như thế nào. Bạn thích nhân viên báo cáo thông tin hàng ngày, hàng giờ, hay chỉ cần báo cáo công việc đúng thời hạn là được? Bạn là người thích những bản báo cáo càng chi tiết càng tốt hay thích một bản báo cáo về những vấn đề chính? Nhân viên cần biết bạn mong chờ gì ở họ và bạn muốn họ làm việc như thế nào. Bạn đang trong quá trình làm quen với vai trò lãnh đạo mới và nhân viên của bạn cũng cần thời gian để… làm quen với sự chỉ đạo của bạn. Ngay từ đầu bạn nên thể hiện rõ phong cách của mình cho mọi người biết thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

5. Hiểu nhân viên: Bạn nên biết rằng: Bạn càng hiểu nhân viên của mình bao nhiêu thì bạn càng lãnh đạo tốt hơn, càng giúp đỡ họ hoàn thành công việc tốt hơn và càng củng cố mối quan hệ bền chặt giữa bạn và nhân viên. Bạn nên tìm hiểu mục tiêu nghề nghiệp của họ, những kĩ năng họ đã có và cả những kĩ năng cần phải học hỏi thêm. Bạn nên chia nhỏ các công việc và giao việc phù hợp với từng người trong nhóm. Bạn hãy cho nhân viên thấy rằng: Bạn rất quan tâm đến chất lượng công việc, cuộc sống của nhân viên và cả những mong muốn tự sâu thẳm đáy lòng của họ. Nhân viên khi cảm nhận được những điều đó, họ sẽ có thêm động lực để cống hiến hết mình vì mục tiêu chung của nhóm, của công ty…

6. Đào tạo: Ngày nay, khi mọi thứ đang thay đổi từng ngày từng giờ, thì tất cả mọi người đều phải nỗ lực học hỏi, nắm bắt cái mới để bắt kịp thời đại. Bạn nên quan tâm đến những khoá học củng cố và nâng cao kiến thức cho cả bạn và nhân viên của bạn để đạt hiệu quả công việc cao hơn nữa. Hãy dành thời gian cho nhân viên tham gia các khoá học cần thiết để họ làm việc tốt hơn nữa, và thực hiện mục tiêu bạn đã đưa ra trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Mặt khác, trong quá trình làm việc, rất có thể nhân viên của bạn mắc sai sót. Vậy thì, thay vì chỉ trích họ, bạn nên giúp họ tìm ra những bài học quý báu từ sai lầm đó để khắc phục. Nhân viên của bạn sẽ càng nể phục bạn hơn và quyết tâm hoàn thành công việc tốt hơn.

7. Thuyết phục: Bất cứ khi nào bạn muốn đưa ra những quyết định sáng suốt thì bạn nên giải thích rõ ràng lý do vì sao bạn đưa ra những quyết định đó. Rất nhiều người có thói quen đưa ra quyết định trong khi chưa suy nghĩ chín chắn và theo đó họ đã không đưa ra được những lời giải thích hợp lý, hợp tình, có tính thuyết phục; điều này sẽ làm giảm niềm tin của nhân viên vào khả năng lãnh đạo của nhà quản lý. Trước khi bạn muốn nhân viên làm theo ý của mình thì bạn phải thuyết phục được họ, để họ yên tâm làm theo ý của bạn. Có thể lúc đầu nhân viên của bạn chưa hiểu ra vấn đề, bạn đừng áp đặt cho họ phải nghe theo những quyết định của bạn ngay lập tức, mà hãy dành thời gian cố gắng thuyết phục họ, chia sẻ với họ những điều bạn đan trăn trở, dần dần họ sẽ nghe ra và cố gắng hoàn thành công việc

8. Học hỏi: Đồng nghiệp của bạn chính là kho kinh nghiệm quý báu để bạn học hỏi, có thể họ có nhiều kinh nghiệm hơn hoặc ít kinh nghiệm hơn bạn trong lĩnh vực quản lý, nhưng bạn đều có thể học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ họ. Sở dĩ tôi nói như vậy vì không ai là toàn diện cả, họ có thể bổ sung cho bạn những điểm bạn chưa mạnh. Nhân viên của bạn cũng chính là những người mà bạn rất đáng học hỏi. Hãy mở rộng tầm nhìn và tranh thủ học hỏi mọi lúc mọi nơi, khả năng lãnh đạo của bạn sẽ.. lên nhanh chóng. Bạn cũng đừng quên động viên nhân viên của mình nên học hỏi lẫn nhau và cạnh tranh lành mạnh trong công việc để đạt được những thành tích cao hơn trong công việc.

9. Thường xuyên quan sát nhân viên: Bạn đừng tự tách mình ra khỏi guồng máy hoạt động của phòng, ban chỉ đơn giản vì bạn là… bề trên. Bạn nên có thói quen tiếp xúc thường xuyên với nhân viên. Bạn hãy dành thời gian dạo qua các phòng ban, trò chuyện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ và tìm hiểu công việc họ đang làm đến đâu rồi. Bạn nên chăm chú lắng nghe những ý kiến phản hồi của họ về công ty, về cách lãnh đạo của bạn… từ đó bạn sẽ có những điều chỉnh phù hợp với đặc thù công việc và với nhân viên. Bạn sẽ đạt được nhiều hơn nếu biết lắng nghe chia sẻ động viên nhân viên của mình.

10. Hãy để cái tôi của bạn ở nhà: Không có gì làm nhân viên bực dọc hơn việc cái tôi của sếp cứ hiển hiện thật… hoành tráng. Bạn không cần phải nghe mọi câu trả lời cho mọi vấn đề bạn quan tâm. Nên nhớ rằng bạn là sếp chứ không phải là… ông trời mà cứ thoả sức ra lệnh cho mọi người và muốn mọi người phải đáp ứng mọi nhu cầu của bạn. Có những vấn đề bạn chưa biết, bạn muốn nhân viên của mình giải thích, nhưng đừng hỏi theo kiểu ra lệnh mà hãy hỏi với tinh thần thân thiện và hoà đồng. Điều đó cho thấy rằng: Bạn đang rất tôn trọng nhân viên của mình và sẵn sàng học hỏi họ.

Nếu là người chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý bạn thử vận dụng những gợi ý trên đây xem sao!

(Theo jobvn)

 

 

Related Articles

Chat Zalo