Từ quá khứ tới hiện tại, có rất nhiều món đồ công nghệ và gia dụng đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, không chỉ đơn giản vì công năng sử dụng tuyệt vời, mà còn cả thiết kế hợp lý, đẹp mắt, tạo ra tiêu chuẩn cho tất cả những sản phẩm về sau. Và phía sau một sản phẩm đặc biệt như vậy luôn là một hoặc một nhóm các nhà thiết kế đầy kinh nghiệm.
Có thể mang tính chủ quan, nhưng theo mình, 6 nhà thiết kế dưới đây đã có những ảnh hưởng nhất định tới cách thế giới thiết kế các thiết bị, xe cộ và máy móc.
Sir Jony Ive
Tác phẩm đầu tiên Jony Ive thiết kế cho Apple là chiếc iMac G3 năm 1998. Giữa thời kỳ sắc màu rực rỡ của thập niên cuối cùng thế kỷ XX, chiếc máy tính này đã tạo ra một làn gió tươi trẻ giữa lúc máy tính đều chỉ rặt một màu đen hoặc xám be nhợt nhạt thiếu sức sống. Nếu anh em không nhớ, hoặc đơn giản là không biết iMac G3 thì Ive cũng chính là người chắp bút vẽ và thiết kế nên hằng hà sa số những sản phẩm về sau của Apple: iPhone, iPad, MacBook Pro, thậm chí cả bộ loa 2.1 Harman Kardon Soundstick nổi tiếng cũng là tác phẩm của ông.
Với tầm nhìn của Jobs, và bàn tay của Ive, Apple đã trở thành những người tạo ra trào lưu trong làng công nghệ nói riêng. Nhưng trước đó, khi mới tốt nghiệp đại học Northumbria ở quê nhà Anh Quốc, ông nhận vị trí thiết kế tại Weaver Design sau khi được chính agency mỹ thuật công nghiệp này tài trợ học bổng. Những tác phẩm trong đồ án của Ive hiện giờ vẫn còn được trưng bày ở Bảo tàng Thiết kế tại London.
Một năm sau khi làm việc cùng Roberts Weaver, ông chuyển sang một agency khác có tên Tangerine. Đó cũng là lúc Apple nhìn ra tài năng của Ive khi ông thiết kế chiếc laptop PowerBook theo đơn đặt hàng của Apple với Tangerine. Trong hai năm liền, Apple cố đưa Ive về bên cạnh họ, nhưng không ăn thua.
Đến năm 1992, Jony Ive mới trở thành nhân viên full time cho Apple, sau khi đảm nhận vị trí tư vấn cho giám đốc thiết kế của Apple thời điểm đó, Robert Brunner.
Mọi chuyện còn lại, giờ đã thành lịch sử.
Dieter Rams

Trước thời Ive, thì Dieter Rams mới là ngôi sao của làng thiết kế mỹ thuật công nghiệp. Đảm nhiệm chức vụ trưởng bộ phận thiết kế của Braun từ năm 1961 đến năm 1995, Rams đã tạo ra không biết bao nhiêu sản phẩm mang hơi thở đương đại, thiết kế đơn giản theo phong cách Bauhaus-Ulm đặc trưng của người Đức, không có chi tiết thừa, không có những thứ chỉ để làm đẹp mà không có tác dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bao gồm chiếc máy chiếu D-21, máy nghe đĩa than SK55, chiếc radio T3, RT20. Hơn 500 sản phẩm mà Rams thiết kế hoặc giám sát thiết kế đều nổi bật triết lý “Industriekunst”, một từ ghép mà nghĩa tiếng Đức là thiết kế công nghiệp, nhưng trong đó có cả hậu tố “kunst – nghệ thuật” ở đó nữa.
Năm 1962, Rams chắp bút thiết kế chiếc ghế 620, và nó trở thành tiêu chuẩn đến tận ngày hôm nay. Khỏi phải nói, khi đến chính Jony Ive cũng coi Dieter Rams là người truyền cảm hứng cho bản thân, di sản của nhà thiết kế người Đức này đồ sộ tới mức nào.
Gunpei Yokoi

Mọi người thích chơi game trên điện thoại hoặc máy handheld như 3DS, PSP, PS Vita,…? Vậy người mà chúng ta cần cảm ơn chính là Gunpei Yokoi. Tác phẩm khiến ông được đứng vào hàng ngũ những nhà thiết kế trứ danh chính là chiếc máy chơi game cầm tay Nintendo GameBoy năm 1989, và trước đó là Game&Watch vào năm 1980.
Sinh năm 1941, Yokoi tốt nghiệp đại học Doshisha với tấm bằng điện tử, và bắt đầu làm việc cho Nintendo từ năm 1965 cho đến khi ông qua đời vào năm 1997. Được gợi cảm hứng từ những doanh nhân hay kế toán mang theo người chiếc máy tính điện tử, Yokoi đã tạo ra chiếc máy Game&Watch chơi được mọi lúc mọi nơi.
Chính nó đã trở thành tiền đề cho những game huyền thoại của Nintendo về sau như Donkey Kong hay Mario Bros. Cũng chính chiếc máy này đã khiến Yokoi tạo ra Game Boy 9 năm sau, trở thành một trong số những thiết bị điện tử có doanh số cao nhất mọi thời đại, bên cạnh iPod của Apple hay chiếc điện thoại 1100 của Nokia.

Giờ đây hầu hết mọi thiết bị điều khiển game đều lấy cảm hứng từ thành quả lao động cũng như khối óc của Gunpei Yokoi. Tay cầm hai bên hai cụm phím cho ngón cái điều khiển? Nút D-Pad không lo ấn hai nút ngược nhau cùng một lúc? Chúng đều là tác phẩm và concept của Yokoi hết.
Laurence Dickie

Thỉnh thoảng, mọi người sẽ gặp được một concept đồ công nghệ khiến ta chỉ biết tròn mắt thốt lên: “Sao đẹp thế!” Laurence Dickie từng làm được những tác phẩm như vậy. Là một người làm việc trong ngành âm thanh cao cấp, có lẽ sản phẩm ấn tượng nhất là Dickie đem tới cho loài người chính là cặp loa high end Bowers & Wilkins Nautilus, ra mắt lần đầu tiên năm 1993. Nó vừa giống một chiếc vỏ ốc, nhưng lại có lớp sơn và hình thù tựa như một con tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh.
Sau khi rời khỏi B&W năm 1997 sau dự án nghiên cứu âm thanh được cho là tốn nhiều công sức nhất lịch sử, mà cặp loa Nautilus chính là kết quả, Dickie gia nhập Blast Loudspeakers Ltd, và đến năm 2004 là Vivid Audio. Những cặp loa với hình thù kỳ dị nhưng giải quyết được nhiều vấn đề âm học nhiều hãng còn đang đau đầu là thứ khiến cho Dickie trở thành một trong những nhà thiết kế đại tài của thế giới.
Peter Gammack

Peter Gammack (ngoài cùng bên phải) cùng James Dyson (trái) và cựu thủ tướng Anh David Cameron.
Đồ gia dụng không phải lúc nào cũng mang tính chất công nghệ cao, nhưng việc ứng dụng công nghệ vào thiết kế đồ gia dụng luôn đem lại kết quả tích cực về mẫu mã và trải nghiệm sử dụng. Peter Gammack, giám đốc thiết kế tại Dyson chính là một trong những người như vậy, tạo ra được những công nghệ đáng nhớ để khiến cuộc sống con người tốt hơn.
Lấy ví dụ, Gammack làm việc cùng James Dyson kể từ năm 1989, và thiết kế chiếc máy hút bụi đầu tiên không có túi đựng lộ thiên, lấy tên mã DC01. Kể từ đó, thiết kế của những chiếc máy hút bụi làm sạch nhà cửa đã trở nên màu mè và thú vị hơn nhiều so với trước. Không chỉ dừng lại ở đó, Gammack còn là người tạo ra concept chiếc quạt “không cánh” Air Multiplier và chiếc máy sấy độc đáo Dyson Airblade mà anh em hay thấy trong nhà vệ sinh các trung tâm thương mại.
Corradino D’Ascanio
Đứng cuối danh sách, chỉ có một sản phẩm khiến cả thế giới ghi nhớ, nhưng điều đó không khiến D’Ascanio trở thành nhà thiết kế kém nhất trong số 6 cái tên trong bài viết của mình. Vì sao lại như vậy? Câu trả lời nằm ở chính tác phẩm mỹ thuật mà D’Ascanio thiết kế: Chiếc xe scooter Piaggio Vespa, chắp bút hơn 70 năm về trước.
Sinh năm 1891, D’Ascanio là một kỹ sư ngành hàng không vũ trụ, trở thành một vị thiếu tướng không quân trong thế chiến thứ 2, và là một trong những người đầu tiên góp công tạo ra chiếc máy bay trực thăng đầu tiên năm 1930. Chiếc D’AT 3 của ông vào năm ấy đã bay được 8 phút 45 giây, với những công nghệ nhiều hãng hàng không khác copy nhiều năm sau.
Sau cuộc thế chiến, D’Ascanio thiết kế chiếc xe scooter đầu tiên cho hãng xe Innocenti, vốn nổi tiếng với thương hiệu Lambretta. Nhưng sau đó, một cuộc cãi vã đã khiến kỹ sư, nhà thiết kế này tới làm việc cho Piaggio, và giúp Enrico Piaggio chắp bút vẽ nên hình hài chiếc Vespa đầu tiên trong lịch sử vào năm 1946.
Bạn Có Đam Mê Với Vi Mạch hay Nhúng - Bạn Muốn Trau Dồi Thêm Kĩ Năng
Mong Muốn Có Thêm Cơ Hội Trong Công Việc
Và Trở Thành Một Người Có Giá Trị Hơn
Bạn Chưa Biết Phương Thức Nào Nhanh Chóng Để Đạt Được Chúng
Hãy Để Chúng Tôi Hỗ Trợ Cho Bạn. SEMICON
Hotline: 0972.800.931 - 0938.838.404 (Mr Long)