Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Semicon


  • ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN ĐỂ TRUY CẬP NHIỀU TÀI LIỆU HƠN!
  • Create an account
    *
    *
    *
    *
    *
    Fields marked with an asterisk (*) are required.
semicon_lab.jpg

Tôi luôn thiếu thời gian để hưởng thụ cuộc sống

 

     “Thước đo cuộc sống không phải dài hay ngắn, mà là bạn đã sống cuộc sống ấy như thế nào”. Đó là quan điểm sống của Giám đốc Công ty Training House Trần Huy Hà.

      Bước vào hoạt động đào tạo từ những năm 1995 tại Công ty Unilever, nhưng đến 10 năm sau, Trần Huy Hà mới thành lập Công ty Training House, chuyên về dịch vụ đào tạo cho các doanh nghiệp. Trần Huy Hà cho biết, anh mở trung tâm đào tạo chỉ vì muốn được làm chủ chính cuộc đời mình và thỏa mãn một niềm đam mê: làm đào tạo.

Kinh doanh để làm chủ chính cuộc đời mình

Học kinh tế, ra trường, có việc làm ổn định với mức lương cao là mơ ước của hầu hết sinh viên, nhất là những người từng trải qua năm tháng ăn mì gói, ngủ giường tầng ở Ký túc xá. Với Trần Huy Hà, điều đó chưa hẳn đúng. Anh từng có thời gian làm ra nhiều tiền, thậm chí kiếm được rất dễ dàng, nhưng lại cảm thấy cuộc sống của mình thật vô vị.

Đó là lúc Huy Hà làm trưởng phòng kinh doanh một công ty liên doanh thép (năm 1993), mỗi ngày anh có thể kiếm được mấy chục triệu đồng. Anh dí dỏm bảo, với giá cả thời bấy giờ, nếu ở lại đây 5 năm, anh có thể mua được cả khu phố ở đường Trần Hưng Đạo, khu Cầu Muối (Q.l, TP.HCM).

Trước khi đầu quân vào công ty thép, Huy Hà từng làm cho một công ty nhà nước. “Ở đó không có sự sáng tạo nào", anh nhận xét. Huy Hà cho biết, làm việc ở đó, anh cảm giác mình giống con rô-bốt hơn là một cử nhân kinh tế. Khi chuyển sang công ty thép, anh nghĩ môi trường liên doanh sẽ tốt hơn. Nhưng rồi anh nhận ra, công việc ở đây cũng chẳng khá hơn. Đó là vòng luẩn quẩn của những tháng ngày nhậu nhẹt, tiếp khách, tăng hai, tăng ba, rồi lại nhậu nhẹt, tiếp khách...

Một nguyên nhân khác quan trọng hơn khiến Huy Hà quyết định ra đi, đó là vì chú ruột của anh làm phó tổng giám đốc. Cảm giác phải núp sau bóng người khác khiến anh cảm thấy không còn là chính mình nữa.

Sau đó, anh chuyển sang làm đào tạo ở Công ty Unilever. Chính ở đây, Huy Hà phát hiện ra niềm đam mê của mình và tìm được lối đi đích thực cho bản thân. Theo Huy Hà, đây là sự thay đổi có ý nghĩa quan trọng nhất trong cuộc sống của anh cho đến bây giờ.

“Mình chỉ đi qua cuộc sống này thôi. Vì vậy, hãy sống sao cho trọn vẹn, tạo cảm giác tốt nhất cho bản thân để khi chuẩn bi rời khỏi cuộc đời này, mình cảm thấy những gì đã trải qua thật sự ý nghĩa", Huy Hà chia sẻ.

Do có quan điểm như vậy, nên Huy Hà luôn cảm thấy không đủ thời gian để hưởng thụ cuộc sống. Mỗi ngày chỉ làm việc 3 giờ, thời gian còn lại dành hết cho gia đình, những thú vui trong cuộc sống, vậy mà anh vẫn cảm thấy thiếu.

Nhưng để hưởng thụ cuộc sống và lo cho gia tình, cũng cần có tiền chứ! "Tôi không quá giàu, nhưng để lo cho cuộc sống, gia đình thì dư sức. Tôi làm việc ít, vì tôi là chủ. Người làm chủ khác người làm thuê ở chỗ đó. Đó là lý do tôi mở Training House, dù trước đó ở Unilever, tôi vẫn hoạt động trong lĩnh vực đào tạo".

Huy Hà cho biết, hầu như doanh nghiệp nào cũng có "bệnh" và cần phương thức chữa trị riêng. Một khóa đào tạo ngắn hạn về phương pháp quản lý kỹ năng bán hàng cho nhân viên, cách quản trị nhân sự cho giám đốc nhân sự… là nhu cầu thiết thực của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Huy Hà nói, khi mở Training House, anh thấy mình có ích khi giúp được nhiều doanh nghiệp.

Không ngại thay đổi

Nhiều người bảo Trần Huy Hà... không bình thường vì gặp ai, anh cũng "than" mình sướng quá. Huy Hà tâm sự, đôi lúc, anh cảm thấy rất cô đơn vì rất ít người hiểu mình.

Khi nói về gia đình, giọng vị giám đốc như nghẹn lại. Dù có đầy đủ bố mẹ, nhưng anh lại thiếu thốn tình cảm từ bé. Với Huy Hà, đây là bất hạnh lớn nhất trong đời. Tuổi thơ của anh trôi qua trong cô đơn, thiếu bàn tay chăm sóc của đấng sinh thành. Bố mẹ anh, những công chức tận tụy với Nhà nước, nhưng lại quên con trai của mình. "Phải nếm trải đau khổ mới thấy được giá trị hạnh phúc". Đó là triết lý Huy Hà đúc kết được từ cuộc sống của mình. Có lẽ chính những trải nghiệm thời thơ ấu làm anh cảm thấy mình thực sự sung sướng, hạnh phúc trong thực tại.

Huy Hà cho rằng, khi thiếu thốn tình cảm gia đình, người ta thường tìm đến hôn nhân sớm. Đó cũng là lý do khiến anh lấy vợ sớm và thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên. Anh đã quyết đinh chia tay người vợ cũ khi không cảm thấy hạnh phúc. Chính quan điểm không ngại thay đổi khiến Huy Hà bỏ công ty thép, nghỉ việc ở công ty đa quốc gia để thành lập công ty riêng. Và có lẽ cũng nhờ quan điểm đó, anh đã tìm được người vợ thứ hai hiện nay, chị Hà Hoài Thu. Anh cho biết: "Cô ấy hiểu và có đến 98% quan điểm sống, sở thích giống tôi”.

Trò chuyện với Huy Hà, đôi lúc người viết cảm nhận, dường như trong anh tồn tại một khối mâu thuẫn nào đó. Anh bảo, cuộc sống là gì nếu không phải là của riêng mình? Hãy sống thật tốt cho bản thân trước. Đừng nghĩ đến điều gì lớn lao nếu chưa làm được gì cho chính mình.

Suốt buổi trò chuyện, Huy Hà dành gần hết thời gian nói về nền giáo dục nước nhà. Theo anh, nền giáo dục Việt Nam đào tạo không khoa học, các nhà lãnh đạo thiếu tầm nhìn dài hạn... Nhiều kiến thức chẳng bao giờ được áp dụng trong cuộc sống, nhưng chương trình giáo dục cố nhét vào đầu học sinh, sinh viên. Những cuộc cải cách, hội thảo liên tục diễn ra, nhưng vẫn không thấy nền giáo dục khả quan hơn. Nguyên nhân do chúng ta chỉ cải cách từ ngọn và không phải từ gốc.

Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến vị giám đốc ấy dự định ra nước ngoài định cư. Huy Hà cho biết, anh muốn thay đổi, tìm kiếm thêm những trải nghiệm mới. Nhưng quan trọng hơn, anh luôn chọn môi trường đào tạo tốt nhất cho hai con của mình.

(Theo Nhịp cầu đầu tư)

 

Related Articles

Chat Zalo