Steve Jobs - người biến Apple trở thành đế chế trong làng công nghệ. Nhưng cộng sự của ông - nhà thiết kế Jonathan Ive là người tạo ra giá trí cốt lõi với những sản phẩm để đời.
Giá trị của Jonathan Ive
Lúc sinh thời, Steve Jobs không muốn nhân viên của mình xuất hiện trong các bài phỏng vấn. Có lẽ bởi vậy mà hôm ấy, bầu trời thung lũng Sillicon Valley đã đổ mưa sau hàng tháng trời nắng hạn, trong chính buổi phỏng vấn chuyên sâu duy nhất của Jonathan Ive suốt gần 20 năm cống hiến tại Apple. Như thể là Jobs vẫn dõi theo nhà thiết kế tài năng, cộng sự tinh thần vô giá của mình kể từ khi qua đời.
Có vẻ như thế giới đang nhìn vào màn hình Macbook Pro nhiều hơn là gặp gỡ gia đình, chạm vào iPhone nhiều hơn là nói chuyện, cắm tai vào iPod nhiều hơn là quan sát người đối diện. Người ta tò mò tìm hiểu ai là người đã thiết kế những sản phẩm có thể thay đổi cả thế hệ người dùng máy tính cá nhân và xác lập vị trí riêng biệt xa xỉ cho Apple từ năm 1997.
Ngoài Steve Jobs, còn là người đồng hành thân thiết của ông. Đó là Jonathan Ive, Phó Chủ tịch thiết kế cao cấp của Apple.
Cú gật đầu định mệnh
Là con trai của một người thợ bạc, Ive nhanh chóng phát triển thói quen thiết kế tỉ mỉ của mình từ nhỏ. Chính thói quen này đã đưa ông vào khoa Thiết kế sản phẩm của Đại học Newcastle và gặp gỡ Clive Grinyer, người thầy đã dìu dắt và chứng kiến sự chăm chỉ vượt trội và khả năng thiết kế khác thường có phần “dị biệt” của Jonathan Ive. Tiếp tục làm việc với thầy giáo tại hãng tư vấn thiết kế Tangerine ở London sau khi ra trường, Ive có lẽ sẽ không ngờ tới bước chuyển lịch sử trong cuộc đời mình từ một hợp đồng định mệnh.
Portable Powebook
Ive chính là người đã thiết kế cho phiên bản Portable Powebook năm 1991, điều đã giúp ông nhận được lời mời làm việc toàn thời gian trong 2 năm của Apple, nhưng ông từ chối. Một năm sau đó, khi Apple đang đứng ở bờ vực phá sản, hãng công nghệ này đã tìm tới Tangerine để cầu may một vài thiết kế cho dòng máy tính cá nhân. Những bản thảo đầu tay của Ive bay từ London sang San Francisco, kết thúc bởi lời mời làm việc lần thứ 3 của Apple. Lần này Ive đồng ý. Từ đó, người Anh không thể biết được rằng họ đã để mất một nhà thiết kế bậc thầy trong nghệ thuật và kiếm tiền. Nhưng 3 năm đầu của Ive tại Apple lại đầy mệt mỏi với những bản thảo bị bỏ rơi vì Apple đang xuống dốc, vì ở những thời điểm như vậy thì thiết kế chỉ được nằm ở “góc báo” mà thôi.
Năm 1997, Steve Jobs trở lại Apple và kết nối với Jonathan Ive, trở thành cặp bài trùng - Jives. Với tâm thế của một người làm ra sản phẩm, chứ không đơn thuần là một nhà thiết kế, Ive, và Jobs là sự kết hợp kinh điển về lợi nhuận và sáng tạo mà giới tư bản hiện đại phải ngả mũ, thậm chí người Anh phải lắc đầu tiếc của, vì đã lỡ đánh mất một công dân Anh ưu tú bậc nhất vào tay nước Mỹ. Khác với các gã khổng lồ điện tử cùng thời, thường là một tổ hợp chế tạo đồng thời máy tính, máy ảnh, tủ lạnh, Apple chỉ tập trung vào 3 mảng duy nhất: máy tính, thiết bị giải trí và điện thoại.
Sáng tạo bứt phá trong khác biệt
Qua màn kính mờ đục, Studio thiết kế của Apple là một nơi bất khả xâm phạm, chỉ cho phép Ive, đội thiết kế lâu năm gồm 15 người từ Anh, Mỹ, Nhật, Úc và New và các nhân sự cấp cao của Apple được ra vào. “Lí do đó là nơi duy nhất bạn có thể thấy những bí mật sản phẩm siêu độc của Apple, thứ chúng tôi thiết kế, mô hình, cấu trúc”, Ive cho biết.
Điều đầu tiên mà Ive sử dụng để sáng tạo chính là trí tưởng tượng của mình. Chỉ khi đã trả lời được những câu hỏi “Sản phẩm mới sẽ là gì? Nó sẽ làm gì?”, Ive sẽ bắt đầu triển khai thiết kế, và cảm hứng được khởi nguồn từ những nơi khó thể ngờ tới.
Ông làm việc với những người sản xuất kẹo thạch dẻo để học cách phối màu, và hoàn hảo với nét trong mờ hiện đại đầy quyến rũ của sản phẩm đình đám đầu tiên – iMac.
Ông nhìn thấy một giọt nước đọng trên kính của bàn làm việc, và vát cong những ý tưởng thông thường để cho ra đời chuột Magic Mouse có thiết kế thanh lịch tới không ngờ.
Ông bay nửa vòng trái đất tới Niigata, Bắc Nhật, để tận mắt chứng kiến quá trình rèn kiếm của các nghệ nhân Kanata, từ thanh kiếm thô sơ, tới thành phẩm sắc bén, đầy công lực trong vẻ ngoài thanh nhã với triết lý minimalism tối giản mà mạnh mẽ. Và từ đó, Ive đã sáng tạo ra Powerbook Titanium – chiếc máy tính thân mỏng đóng nhôm nguyên khối đầu tiên trên thế giới, khởi đầu cho dòng thiết kế vỏ nhôm “sát thủ” của Apple với MacBook, iPod, iPhone, iPad…, những sản phẩm đã quyến rũ cả thế giới bằng thiết kế ưu việt phục vụ công năng và thuyết phục trong phong cách của mình.
iPhone 2007 đã tạo ra chuỗi nhàm chán của điện thoại thông minh hiện nay
Dành hàng tháng trời trọn vẹn để thiết kế của chiếc đế đỡ iMac, với Ive, thiết kế là không giới hạn, kể cả với phạm trù quen thuộc nhất. Dù đã hoàn chỉnh sản phẩm và biến nó trở thành biểu tượng như chiếc tai nghe màu trắng đi cùng iPod, nỗi ám ảnh của Ive luôn là có thể sáng tạo tốt hơn không, như một lời nguyền môn thủa trong nỗi khao khát muốn vượt lên hiện tại.
Và đó cũng chính là trăn trở chung của Steve Jobs. Điều này đã đưa 2 bậc thầy sáng tạo tới gần nhau khi hỏi chung một câu hỏi, chung một sự tò mò, và chung sứ mệnh tìm kiếm giá trị tốt hơn cho cuộc sống. Thực tế, nguyện vọng của 2 người luôn được ủng hộ. Khi người dùng đã thay đổi thói quen, họ có thể gạt đi những ám ảnh về giá, và thả tiền vào sản phẩm tin cậy. Không chỉ là thẩm mỹ, người dùng đã quan tâm tới những sản phẩm tốt và trí tuệ mà không cần tới những chiêu bài truyền thông tỷ đô.
Bondi Blue iMac G3 năm 1998
Những cột mốc vinh quang của Jonathan Ive
● Năm 1999, lọt vào 100 nhà sáng tạo trẻ xuất sắc nhất thế giới
● Năm 2003, đoạt giải quán quân của Bảo tàng Thiết kế quốc gia.
● Năm 2007, đoạt Giải thưởng Thiết kế quốc gia.
● Năm 2009, nhận bằng Tiến sĩ danh dự của trường Đại học thiết kế Rhode Island
● Giữa 2009, trở thành Tiến sĩ danh dự của trường Đại học Nghệ thuật Hoàng gia Anh.
● Năm 2010, được trao tặng danh hiệu Nhà thiết kế thông minh và xuất sắc nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Fortune danh tiếng.
Jonathan Ive và Apple
Trong cuốn tiểu sử của mình, Jobs đã nói Ive chính là đối tác tinh thần của mình tại Apple: “Anh ấy hiểu những gì là nền tảng cốt lõi của chúng tôi tốt hơn so với bất cứ ai”.
Jonathan Ive và Steve Jobs
Bộ đôi mới của Apple – Ive và Federighi
Tạp chí này gọi Jobs “là vị CEO có tầm nhìn xa trông rộng, một nhà quản lý vĩ mô và là một ông bầu khôn ngoan”, còn Jonathan Ive được trao tặng danh hiệu Nhà thiết kế thông minh và xuất sắc nhất thế giới. Là cặp bài trùng gần như là hoàn hảo nhất nhưng giữa họ không phải không có những bất đồng.
Trong cuốn sách về Jobs, nhà thiết kế của Apple được tác giả mô tả như một nghệ sĩ với tâm hồn rất nhạy cảm. Và cũng như nhiều người trong công ty, Ive cũng nhiều lần thấy khó chịu khi mà Steve Jobs phát ngôn về ý tưởng mà không nói rõ nguồn gốc. Ive cảm thấy bị tổn thương khi thấy mình không được tôn trọng. Nhưng đối với Ive thì ông coi đó chỉ là những cảm giác nhất thời và Jobs chính là động lực để biến những ý tưởng trở thành hiện thực.
Gần đây nhất, Ive và nhóm thiết kế phần cứng của mình phối hợp chặt chẽ với các đội dẫn đầu là phó chủ tịch cấp cao của Apple công nghệ phần mềm - Craig Federighi, để tung ra hệ điều hành iOS 7 và iPhone 5s.
iPad Air và iOS 7
Ive đề cập đến tính đơn giản và gần như 2 chiều của thiết kế iOS 7, đặc biệt là khi nhắc đến tiêu đề của ứng dụng (title app). Cái gọi là xu hướng thiết kế skeuomorphic đã được tạo nên từ thời gian Jobs – thời mà kết cấu thực tế và đối tượng được mô phỏng đang thịnh hành, chẳng hạn icon Game Center trên phiên bản iOS cũ đưa ra một cái nhìn trực quan, còn hiện tại thì đơn giản chỉ là các bong bóng nhiều màu sắc. Federighi cho rằng cái nhìn mới của iOS 7 gắn bó chặt chẽ với bước tiến công nghệ.
Federighi trước đây khi chưa là một nhà quản lý cấp cao thì đã có khá nhiều bất đồng với Ive về quan điểm sản phẩm. Nhưng hiện tại thì khác, họ trông giống như cặp đôi ăn ý mới tại Apple.
Ive và Federighi hầu như không bao giờ đề cập đến vấn đề kinh doanh trong các trả lời báo chí và họ cùng một ý kiến về việc Apple sẽ tiếp tục lựa chọn chất lượng chứ không phải là số lượng.
Với Ive thì việc tập trung vào giá thành và kích thước màn hình là điều dễ dàng, nhưng có một con đường còn khó khăn hơn, chất lượng của sản phẩm - thứ mà chỉ có khó có thể đo lường. Nhưng Ive cũng cho rằng mình đang bị nhàm chán bởi ông cho rằng mình đang phát triển phiên bản thứ 5 của chiếc điện thoại iPhone ra đời hồi 2007.
Mac Pro 2013
Và thời hậu Steve Jobs, nhà thiết kế Ive của chúng ta có còn là nghệ sĩ đa cảm nữa hay không khi các cuộc lật đổ cao tầng liên tiếp diễn ra. Đầu tiên là sự ra đi của Scott Forstall - phó giám đốc phụ trách hệ điều hành di động iOS. Ngoài việc không hợp “gu” với Tim Cooks thì một trong những lý do mà Forstall không còn phù hợp tại Apple chính là khúc mắc với Ive trong việc thiết kế iOS theo phong cách skeuomorphic. Scott Forstall cho rằng những ý tưởng thay đổi trên iOS không đủ lớn so với tầm vóc của Apple. Tiếp theo đó là Greg Christie - người đứng đầu bộ phân thiết của Apple rời khỏi hãng vào tháng 4/2014 sau hàng loạt những xung đột về thiết kế giao diện với phó chủ tịch cấp cao Jony Ive.
Sự ra đi của 2 nhân vật cao cấp này đã giúp Ive có thể tập trung quyền lực của mình đối với mảng phần cứng và phần mềm. Điều này có thể tốt khi sẽ có nhiều quyết định dứt quát về sản phẩm mới cũng như thiết kế. Nhưng điều đó cũng cho thấy sau thời của Jobs thì cái tôi quá lớn của các vị lãnh đạo Apple trỗi dậy và không ai chịu ai. Sự thay đổi là điều tất yếu nhưng liệu trong tương lai Apple có thể viết tiếp những điều kì diệu như iPhone hay iPad nữa hay không?
Những điều thú vị về Jonathan Ive
● Chứng khó đọc. Dù bị mắc chứng khó đọc (dyslexia) nhưng ông vẫn được nhận vào các trường đại học danh tiếng như tiếng Oxford hay Cambridge. Cuối cùng ông lại lựa chọn trường chuyên ngành về thiết kế công nghiệp Newcastle Polytechnic. Tại Apple, cặp bài trùng Ive và Jobs đều là những người mắc chứng khó đọc.
● Ive đam mê xe hơi và tốc độ. Ông lái chiếc xe hơi Fiat 500 vào đầu những năm 1980. Tiếp sau đó là độ lại chiếc Austin-Healy “Frogeye” Sprite cùng bố. Ngoài ra những chiếc xe mà Ive đang sở hữu bao gồm: Aston Martin DB9, Vanquish, Bentley Brooklands đen và trắng, Land Rover LR3. Trong đó Aston Martin DB9 - siêu xe của 007 đã bị lật nhào khiến Ive và đồng nghiệp suýt chết. Và giá trị của ông đối với Apple tăng theo từ đó.
● Bí mật công việc với gia đình. Ông có vợ là một nhà sử học và 2 đứa con song sinh. Ive không được phép nói chuyện với vợ về những gì mình đang làm và không bao giờ cho phép con mình vào xưởng thiết kế.
● Xưởng thiết kế. Trong xưởng thiết kế thường xuyên mở nhạc điện tử và các nhà thiết kế chơi đủ trò từ trượt ván cho đến đá bóng. Ive có một văn phòng riêng là “khối kính lập phương” trong xưởng thiết kế. Trong nhóm lãnh đạo cao cấp thì Scott Forstall - cựu giám đốc iOS không được chào mừng tại đây.
● Ive là người đưa màu trắng vào sản phẩm của Apple
Tại hãng tư vấn thiết kế Tangerine ở London, sản phẩm đầu tiên của Ive sau khi ra trường là nhà vệ sinh và đã bị từ chối vì chi phí sản xuất quá cao.
● Ive có 596 bằng sáng chế về thiết kế và tiện ích.
Nguồn PC World VN