Tiếp câu chuyện “buôn than”
“Số tao nó khổ”, “Tao kém cỏi”,… đó là câu nói cửa miệng của mỗi cử nhân, kỹ sư thất nghiệp trên bàn nhậu, những góc tối trà đá mà các “tân cựu sinh viên” thường trút bầu với nhau.
Rồi M, trước học trong trường cậu cũng chỉ học và tối về mải miết tụ tập đám bạn. “Tung tăng” cầm chiếc bằng Kỹ sư loại khá đi xin việc, M mới tá hỏa ra rằng công việc nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm trong khi phần này ở CV xin việc cậu bỏ trống.
Giải pháp “chống cháy”
Khi “than” đã lên nhiệt thì buộc lòng các cựu sinh viên phải tìm cách “chống cháy”. H sau khi vật vã không xin được việc ở những nơi mong muốn đã quyết định nộp hồ sơ vào những nơi mà trước kia cậu từng tuyên bố: “Có cho tiền tao cũng chẳng thèm”. Đó là những nơi mức thu nhập không đủ sống, lương trả theo hệ số nhà nước mà một tân kỹ sư chỉ có hệ số 2,34.
M không thể tìm được một công việc như mong muốn, cậu quyết định ở nhà ôn thi cao học. Giờ đến gặp bạn bè M cũng tránh vì câu hỏi thường gặp của đám bạn bây giờ là: “Mày làm ở đâu rồi?”, “Lương lậu cao không?”… M bức xúc: “Biết thế ngày xưa mình cứ xin đi làm tạm cái gì đấy, có lần thầy giáo tổ chức một nhóm làm nghiên cứu khoa học và tham gia cộng tác với công ty của thầy, mình là đứa học cũng kha khá, thầy gọi đầu tiên. Thế mà mình cứ tặc lưỡi: Sinh viên chỉ cần học và chơi thôi, làm sớm mất vui”. Học cao học lúc này trở thành một thứ giải pháp chống cháy đỡ “mang tiếng” nhất.
Chuyện những người may mắn
Ngoại trừ những tân cử nhân đã chắc chỗ do “bàn tay ma thuật” của phụ huynh. Không phải ai ra trường cũng có sẵn một công việc long lanh như mình vẫn mơ ước. Đó là kết quả của quá trình “tu luyện” không mệt mỏi trong những năm tháng còn đi học. Ngồi nghe đám bạn nói chuyện: “Cái A. nó may thật, ra trường có công ty mời về, trả lương ngất ngưởng trong khi tao vất vả đi tìm khắp nơi mà chẳng có chỗ nào thèm nhận”.
Cái A. ở đây đã tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ, bằng đẹp, tiếng Anh chuẩn, lại thêm bảng dày thành tích nghiên cứu khoa học, dạy thêm, làm thêm từ năm nhất. Tính ra kinh nghiệm của A đã ngót 4 năm. Với ngần ấy những thứ A có, cô dễ dàng tìm được một công việc xứng đáng với những gì cô có.
T. ra trường với bằng cử nhân Xã hội học, cảm thấy chưa đủ tự tin để đăng kí vào một công ty nào, cậu quyết định đi làm bồi bàn buổi tối, vừa để tăng khả năng giao tiếp, có thêm thu nhập, vừa có cơ hội học thêm một tấm bằng kinh tế nữa để đảm bảo sau này mình có thể chuyên sâu vào một lĩnh vực nào đấy. Hiện nay cậu đã tốt nghiệp văn bằng hai kinh tế và đang làm việc tại một công ty viễn thông lớn.
Đừng để thời gian “chết”
Tìm đến các sàn giao dịch việc làm, những website, các thông báo tuyển dụng đăng khắp nơi, nhờ bạn bè, người thân giới thiệu… chính là con đường thường thấy để họ tìm ra lối thoát cho những tháng ngày “tạm thất nghiệp”. Và cũng đôi khi, câu chuyện “vào đời” của những tri thức trẻ gặp trục trặc đơn giản chỉ là do sau có việc làm một cách vội vã lại phải bỏ việc vì cảm thấy không hài lòng, bất mãn.
Để thời gian chết chính là sự sai lầm nghiêm trọng nhất của họ. Mỗi công việc sẽ đem lại những hiểu biết, những kỹ năng nhất định. Có thể bắt đầu từ con số không chứ đừng để mọi thứ dừng lại ở một con số “chết”. Việc nằm nhà và đợi một điều kỳ diệu xảy đến là không thể có. Đó là thông điệp dành cho những tri thức trẻ tuổi đang trên con đường thực hiện ước mơ và tự khẳng định mình.
(Theo Dân Trí)