Bạn phải làm quen với cảm giác bất lực và bực bội khi nhìn chăm chăm vào màn hình, sục sạo hàng trăm dòng code cả tuần để tìm lỗi nhiều khi chỉ là một dấu chấm, dấu phẩy... Đó là công việc của lập trình viên.
Sống chung với áp lực
Lập trình viên (LTV) được ví là những thợ "coding" (người ngồi gõ những đoạn mã trên máy tính), làm ra các phần mềm hoặc chỉnh sửa, phát triển nó dựa trên các công cụ lập trình. Nói một cách khác, LTV có vẻ giống một nhân viên nhập dữ liệu đơn thuần, ngày ngày đến công sở gõ những dòng code theo chỉ dẫn. Theo đó, lập trình là một công việc khá buồn tẻ, thuần túy kỹ thuật, không đòi hỏi sự sáng tạo và đúng nghĩa là low-tech.
Nhưng nếu xuất phát từ thực tế tại Việt Nam thì nghề lập trình đòi hỏi sự sáng tạo cũng như các kỹ năng đánh giá, phân tích yêu cầu của dự án, đưa ra các giải pháp thiết kế hoặc cách tiếp cận công nghệ mới khi gặp những framework thiết kế chưa kỹ hoặc công nghệ thay đổi.
Dự định theo nghề LTV, bạn phải rèn luyện cho mình khả năng sống chung với các áp lực thời hạn phải hoàn thành công việc (deadline) và khối lượng công việc. Đa số các dự án phần mềm hiện nay vẫn bị mắc tỉ lệ 80-20. Có nghĩa là trong 80% thời gian đầu của dự án thường chỉ làm được 20% khối lượng công việc, và 20% thời gian còn lại thì phải giải quyết nốt 80% khối lượng công việc.
Ngoài ra, bạn phải làm quen với cảm giác bất lực và bực bội khi phải nhìn chăm chăm vào màn hình vi tính, sục sạo hàng trăm dòng code cả tuần và kết quả tìm ra lỗi nằm ở việc thiếu một ký tự như dấu chấm, dấu phẩy.
Nhiều cơ hội
Ngược với những áp lực trên, nghề lập trình cũng có những khoảng tự do. Trong các dự án, trưởng nhóm chỉ định phần công việc và thời gian cần hoàn thành, còn lại LTV chủ động tìm giải pháp hoàn thành công việc. Nghĩa là có thể đến công sở vài lần trong một tuần miễn là hoàn thành công việc được giao. Như vậy, nếu biết cân bằng và sắp xếp khoa học công việc, LTV có thể bỏ qua được những áp lực nặng nề.
Nếu bạn cho rằng làm LTV chỉ quanh quẩn với chiếc máy tính thì bạn đã nhầm. Từ công việc lập trình, các LTV hoàn toàn có cơ hội thử sức ở những vị trí khác hấp dẫn hơn.
Đinh Trung Việt, LTV tại công ty phần mềm Tinh Vân cho biết: Nếu tham gia nhiều dự án lớn, thu thập được kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn và có kiến thức quản lý thì một LTV có thể thăng tiến lên vị trí trưởng nhóm, giám đốc dự án hoặc mở công ty riêng. Riêng Việt thì hi vọng với kiến thức và kinh nghiệm làm việc ở nhiều dự án, nhiều môi trường công nghệ khác nhau, anh sẽ trở thành chuyên gia tư vấn về giải pháp công nghệ và hệ thống trong tương lai.
LTV cũng có điều kiện làm việc ở nhiều nước như Mỹ, Nhật... trong những dự án của công ty gia công phần mềm cho nước ngoài. Hoặc họ có thể ngồi ở Việt Nam nhưng lại làm việc trong một nhóm nhiều chuyên gia trên thế giới. Quan trọng là bạn phải sẵn sàng đối diện với những áp lực và cơ hội nếu muốn theo đuổi nghề này.
(Theo Lao động)