Xu hướng của các bạn trẻ hiện nay là chọn làm việc tại nhà thay cho 8 tiếng làm tại công sở. Nhà là công sở có nhiều cái được, nhưng mất cũng không ít.
Được và mất: Những người thích làm việc ở nhà thường là những người có cá tính độc lập, tự do không thích bó buộc thời gian. Họ chủ yếu là những cộng tác viên, chuyên nhận công việc mang tính thời vụ. Hoặc họ làm việc trong công ty nhưng làm bán thời gian.
“Mỗi sáng, tôi tập thể dục, thong thả ăn sáng, uống cà phê thay vì tất tả chạy ngược chạy xuôi đến công ty. Nếu sổ sách hoàn thành sớm, tôi đi du lịch mà chẳng cần mất thời gian làm đơn xin phép, thấp thỏm chờ sếp duyệt. Nghĩ lại, thời gian bó chân trong văn phòng công ty mà sợ”, chị Huệ kể lại một cách hóm hỉnh.
Tuy mang tiếng là làm việc ở nhà nhưng chị vẫn kiếm được mức lương gần 2.000 đô/tháng với công việc của một kế toán chuyên làm sổ sách, báo cáo cuối năm cho 2-3 công ty cùng lúc.
Mặc dù vậy, làm việc ở nhà cũng còn nhiều bất cập. Thứ nhất, nếu tinh thần tự giác làm việc của bạn thấp thì ưu điểm không bị bó buộc thời gian sẽ trở thành khuyết điểm. Rất nhiều người làm việc ở nhà bị phân tán tư tưởng hay bị cuốn vào những mối bận tâm khác dẫn đến mất tập trung, làm việc thiếu hiệu quả.
Thứ hai, khi bạn ở nhà quá lâu các mối quan hệ của bạn sẽ bị hạn chế, khả năng giao tiếp với người khác cũng bị ảnh hưởng. Mối quan hệ càng ít, công việc cũng sẽ khó hơn.
Thứ ba, với một số các công việc như: lập trình mạng, thiết kế, kế toán... khi bạn còn làm trong công ty, bạn có những hợp đồng từ khách hàng quen. Còn làm ở nhà bạn phải tự mình tìm, phục vụ cho đến bảo hành cho khách. Nếu không kiên nhẫn và tự tin, bạn sẽ khó có thể gắn bó lâu dài được.
Những cách để bạn có thể làm công việc ở nhà:
Đa số các công ty hiện nay thường ít khi cho phép nhân viên của mình được làm việc tại nhà. Nhưng nếu bạn có nhu cầu, lại tự tin rằng mình có thể làm được, bạn hãy trình bày với cấp trên.
Tuy nhiên, để thuyết phục sếp cũng chẳng dễ chú nào. Chẳng vị sếp nào muốn giao công việc cho nhân viên ở nhà với nhiều lý do.
Trước tiên, bạn hãy xây dựng hình ảnh của mình trong sếp. Hãy cho sếp thấy có thể dễ dàng liên lạc với bạn bất kỳ lúc nào, bất cứ đâu qua điện thoại di dộng, máy nhắn tin, điện thọai bàn, e-mail…
Ngoài lợi ích của cá nhân, bạn cũng nên chỉ cho sếp thấy làm việc tại nhà cũng có ích cho công ty. Tiết kiệm được trang thiết bị, thời gian đi lại, làm việc hiệu quả hơn khi yên tĩnh…
Nếu sếp đồng ý cho bạn làm ở nhà nhưng phải qua thời gian thử thách, hãy chứng minh cho sếp thấy mình vẫn có thể hoàn thành tốt công việc thông qua kết quả. Luôn hoàn thành công việc đúng thời hạn, kết quả cao, luôn làm sếp hài lòng.
Ở nhà cũng cần chuyên nghiệp:
Nếu quyết định thay đổi môi trường làm việc từ công sở về nhà, bạn cũng cần phải có một kế hoạch thật tốt. Để khắc phục những mặt trái của khuynh hướng này, bạn cần chú ý những điều sau:
- Bạn cần phải chuẩn bị các trang thiết bị văn phòng cần thiết cho công việc, như bộ máy tính cấu hình tốt, USB, máy in, máy fax, điện thoại di động…
- Thiết lập khoảng không gian riêng, sắp xếp một cách khoa học. Nếu nơi bạn làm việc thường xuyên có tiếng ồn, cảm hứng làm việc và sự tập trung sẽ giảm.
- Đặt ra thời gian cụ thể để cân bằng công việc và mối quan tâm khác: gia đình, sở thích riêng của mình…
- Đảm bảo liên lạc giữa công ty và bạn luôn thông suốt. Nếu bạn để mất liên lạc, khách hàng sẽ không vừa ý, cấp trên lại nghĩ bạn bỏ trốn việc. Đồng thời, các thông tin bên ngoài sẽ không được bạn cập nhật liên tục.
(Theo Dân Trí)