Chuyện nhân viên công sở chơi chứng khoán không còn là chuyện mới, khi mà phong trào chơi “chứng” của dân văn phòng đã phát triển rầm rộ tới mức đến cơ quan là hỏi chuyện “lên hay xuống”. Đằng sau những buồn vui, được mất của các nhân viên, chính văn phòng công sở lại phải gánh những hệ lụy khó tránh.
Nhân viên chơi chứng khoán, ắt các nhà lãnh đạo phải đau đầu. Đau đầu vì cách quản lý làm sao để cấp dưới đừng quá sa đà vào cơn nghiện chứng khoán mà lơ là với công việc; đau đầu vì khoảng thời gian 8 tiếng hành chính bị cắt xén vô tội vạ; đau đầu khi thậm chí có nhân viên xin nghỉ việc với lý do dành tâm sức chuyên tâm cho chứng khoán, cổ phiếu và lên sàn… Không ít các trưởng phòng, phó phòng, thậm chí từ các giám đốc cũng “say” chứng khoán đến mức công việc ở công ty bỗng chốc trở thành “nghề phụ”. Bởi chỉ một lần cổ phiếu được giá, họ đã có hẳn một gia tài mà làm cả đời ở đó cũng chưa chắc bằng.
Nhân viên nọ phất lên nhờ chơi cổ phiếu, lập tức có những nhân viên khác “noi gương”. Làm nhân viên lập trình cho một công ty phần mềm nhưng Hiếu lại là người có thâm niên với chứng khoán. Sáng lên cơ quan, việc trước tiên của Hiếu là bật máy tính và xem tình hình cổ phiếu lên xuống thế nào. Thậm chí trong giờ làm việc, những trang web chuyên cập nhật thông tin của các sàn giao dịch cũng không bao giờ tắt và Hiếu thì luôn trong tư thế sẵn sàng cho các lệnh đặt mua, đặt bán.
Nhờ biết tính toàn và am hiểu thị trường, Hiếu chưa bao giờ lỗ, thỉnh thoảng còn trúng quả đậm, cổ phiếu được giá làm tăng tài khoản của cậu lên gấp mấy lần. Cứ mỗi lần như thế, Hiếu lại mời anh em trong công ty đi nhậu một bữa.
Có người trong phòng thấy Hiếu sống được, sống tốt nhờ vào cổ phiếu cũng tò mò học chơi chứng khoán. Một người rồi đến hai người, ba người, giờ thì cả phòng Hiếu không ai là không chơi chứng khoán. Người được, người mất, có lần cả phòng đủ mọi tâm trạng hỉ nộ ái ố khác nhau chỉ vì được mất từ cổ phiếu.
Năng suất làm việc giảm dần khi nhân viên lún quá sâu vào chứng khoán. Giám đốc công ty chỉ còn biết kêu trời khi tình hình kinh doanh đi xuống và tất nhiên, một số gương mặt sẽ phải vắng bóng hẳn vì bị đuổi việc.
Ra trường được vài năm, đi làm cho một ngân hàng cổ phần, Kiên lao vào chơi chứng khoán sau khi được bạn bè cùng lớp đại học rủ. Vì vốn ít, cả nhóm phải góp tiền để chơi theo kiểu cùng được cùng mất.
Có lần, cậu bạn của Kiên lấy vốn của cả nhóm đặt mua các cổ phiếu theo tính toán là không khả thi lắm, Kiên đã không giữ được bình tính quát ầm lên trong điện thoại. May cho Kiên là lần ấy sếp đi công tác vắng mặt không thì ít nhất cậu cũng bị kiểm điểm. Kiên càng chơi càng hăng “Công việc thì công việc nhưng không thể nào bỏ chứng khoán được”.
Chuyện nhân viên tạm vắng mặt theo giờ cũng dễ dàng đưa ra lời lý giải vì cổ phiếu. Thị trường chứng khoán hấp dẫn số đông nhân viên công sở vì khả năng sinh lợi cao cùng tính mạo hiểm hấp dẫn của nó. Nhiều dân công sở còn tính đến chuyện nghỉ việc công ty để chuyển hẳn sang chơi chứng khoán cho “chuyên nghiệp”, đỡ phân tâm và đặc biệt là “vừa nhanh chóng kiếm được nhiều tiền lại vừa không bị o ép về thời gian”.
Hiện vẫn chưa có giải pháp nào tối ưu cho những mặt hạn chế mà do nhân viên chơi chứng khoán đưa lại, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn cho rằng các nhà quản trị cần đưa ra chế độ lương, thưởng phù hợp cùng cách thức kiểm soát nhân viên theo thời gian hoặc theo hiệu quả công việc nhiều hơn là đưa nhân viên vào những khung hình phạt để o ép họ vào quy củ nhất định.
Các công ty, doanh nghiệp cần dựa vào môi trường làm việc của mình để đưa ra cách xử trí thích hợp cho tình hình trên, hạn chế đến mức tối đa những hệ lụy mà “cơn bão” chứng khoán để lại khi tràn qua giới nhân viên công sở. Đừng khắt khe, cũng đừng buông lỏng, bài toán quản lý nhân viên có nhiều gút mắt cần lời giải đúng đắn từ phía các nhà lãnh đạo khôn ngoan và biết thời thế.
(Theo VTV)